AMD vừa cho biết rằng đến năm 2014, hãng sẽ bắt đầu giao hàng CPU Opteron dùng cho máy chủ được tích hợp nhân ARM với mức độ tiêu thụ điện thấp. Dòng sản phẩm mới sẽ được bán ra song song với chip Opteron dùng nhân x86 đã được bán trên thị trường trong nhiều năm qua. CEO kiêm Tổng giám đốc AMD, ông Rory Read hi vọng rằng vi xử lí Opteron ARM có thể giúp “định hướng cả nền công nghiệp đi đến nơi mà nó cần để thúc đẩy sự cạnh tranh và cho phép khách hàng làm được nhiều (việc) hơn nữa”. AMD tiết lộ rằng dòng CPU mới của họ sẽ là các con chip 64-bit, điều này có nghĩa là hãng sẽ không dùng kiến trúc Cortex A15 với tập lệnh ARMv7 vì nó hỗ trợ đến 32-bit mà thôi. Có thể tập lệnh ARMv8 64-bit sẽ được hãng tích hợp trên thế hệ CPU Opteron mới.AMD chưa cho biết rằng họ sẽ tự mình tùy biến con chip ARM (như Qualcomm hay Apple đã làm) hoặc đi mua bản quyền của một thiết kế sẵn có (như các con chip Cortex-Ax hiện nay). Tuy nhiên, trước đây ARM đã từng cấp phép cho AMD để hãng dùng nhân Cortex-A5 trong thế hệ APU năm 2013 với mục đích tích hợp tính năng bảo mật TrustZone. Do đó, một động thái tương tự hoàn toàn có thể xảy ra thêm lần nữa với chip Opteron.
Một tính năng mà AMD nhấn mạnh ở dòng vi xử lí ARM của mình đó là Freedom Fabric, một công nghệ giúp liên kết nhiều CPU điện năng thấp lại với nhau để tạo nên một hệ thống vi xử lí trước khi kết nối hệ này một mạng lưới máy. Nhờ đó mà người quản trị có thể dễ dàng đảm bảo rằng CPU sẽ luôn có được dữ liệu cần thiết, đồng thời tăng hiệu năng của vi xử lí. Freedom Fabric được phát triển bởi công ty SeaMicro mà AMD đã mua lại hồi đầu năm nay với giá 281 triệu USD.
AMD cho biết rằng dòng Opteron ARM thích hợp để dùng trong các máy chủ web cũng như những trung tâm dữ liệu có mức độ truy xuất cao, nơi mà việc tiêu thụ điện năng rất được quan tâm. Trong khi đó, dòng Opteron x86 thì phù hợp hơn cho các mạng lưới máy tính cần đến sức mạnh tính toán. Đối với thế hệ APU mới, AMD kì vọng nó sẽ được áp dụng để ảo hóa môi trường desktop, chơi game từ xa hoặc mã hóa video, những ứng dụng mà một phần của quá trình xử lí có thể chuyển cho GPU làm. Phó giám đốc kiêm trưởng bộ phận kinh doanh toàn cầu Lisa Su cho biết rằng sẽ không có một giải pháp nào phù hợp cho mọi vấn đề, chính vì thế AMD mới đưa ra nhiều loại vi xử lí như trên.
Quyết định nhắm vào phân khúc máy chủ chứ không phải là các loại laptop hay tablet có thể là một bước đi đúng đắn của AMD vì hiện nay vi xử lí Intel, Qualcomm, NVIDIA và cả Texas Instrument vẫn đang chiếm một tỉ trọng lớn trong thị trường này, mãi đến năm 2014 dòng Opteron ARM mới ra mắt thì có thể hãng sẽ không cạnh tranh lại các đối thủ của mình.
Một số slide của AMD về Opteron nhân ARM
Theo ArsTechnica